Kinh nghiệm ở ký túc xá dành cho sinh viên mới nhất 2024

Hiện nay, đối với các bạn sinh viên mới nhập học thì kinh nghiệm ở ký túc xá không nhiều, đặc biệt là các bạn sinh viên ở tỉnh. Việc tới một thành phố lớn hoàn toàn xa lạ để sống và học tập là một thử thách không hề nhỏ. Cùng với đó, việc phải tìm và thuê chỗ ở khiến không ít bạn sinh viên phải đau đầu. Do đó, ký túc xá của trường Đại học là một lựa chọn không tồi trong trường hợp không thuê được nhà bên ngoài hoặc không đủ điều kiện tài chính. Vậy sinh viên ở ký túc xá cần chuẩn bị những gì? Cùng Resident tìm hiểu bài viết dưới đây nhé.

Ưu, nhược điểm khi sống trong ký túc xá sinh viên

Ưu điểm

  • Điểm nổi bật nhất của ký túc xá chính là sẽ không còn khoảng cách giữa bạn bè trong cùng một khu. Đây là điểm kết nối tất cả mọi người với nhau, không chỉ trong cuộc sống thường ngày mà còn qua các buổi lễ vào dịp đặc biệt.
  • Ở các ký túc xá luôn có bảo vệ hoặc các thầy cô trực giúp đảm bảo an toàn cũng như sinh viên dễ dàng tìm kiếm lời giải đáp cho những thắc mắc.
  • Thông thường ký túc xá sẽ được bố trí ngay gần trường học, rất thuận tiện cho việc tới lớp, và quan trọng hơn là quanh trường thì có vô vàn các quán ăn ngon và dịch vụ như giặt là, photocopy tiện lợi.
  • Ở ký túc xá thường rẻ hơn thuê bên ngoài khá nhiều vì một phòng sẽ ở nhiều sinh viên. Ngoài ra thì các chi phí khác như điện nước, Internet cũng siêu rẻ.
  • Ký túc xá thường là địa điểm tụ họp của các câu lạc bộ trong trường, ở đây bạn có thể dễ dàng tiếp cận các CLB, tham gia các hoạt động ngoại khóa, kết giao bạn bè và có khi lại kiếm được cả “gấu” để ôm cho đông bớt lạnh.

Nhược điểm

  • Đối với mỗi ngôi trường khác nhau thì giá ở KTX sẽ khác, đôi khi còn đắt hơn ở bên ngoài.
  • Vô vàn quy tắc phải tuân theo, từ những quy định công khai của ban quản lý KTX cho tới những quy định “ngầm” do sinh viên tự đặt ra.
  • Khả năng cao là sẽ dùng chung bếp và phòng tắm với bạn cùng phòng hoặc dãy phòng khác.
  • Có khi còn không có bếp và bị cấm nấu ăn để tránh cháy nổ.
  • Đông người, lắm bạn thì cũng vui đó, nhưng đang mùa thi mà sinh viên tình nguyện cứ đàn hát bên dưới sân thì biết thế nào là toang rồi đấy.
  • Một số vấn nạn khác như mất cắp, cờ bạc, rượu chè,… nhưng không phải ở đâu cũng xảy ra.

Sinh viên ở ký túc xá cần chuẩn bị những gì?

Đồ dùng cá nhân

Cho dù bạn ở nhà hay ở trọ, những đồ dùng cá nhân vẫn là thiết yếu, bao gồm: quần áo, khăn, bàn chải, kính mắt, balo, điện thoại, laptop,… Đây là những đồ dùng bạn có thể mang từ nhà đến ký túc xá và cần giữ gìn thật kỹ lưỡng để tránh mất cắp.

Những đồ dùng cá nhân vẫn là thiết yếu

Thông thường ở ký túc xá, mỗi sinh viên sẽ được phát một hòm để đồ riêng, nếu không có thì bạn có thể tự đi mua. Những đồ vật có giá trị mà không thể mang bên người thường xuyên bạn có thể cất vào đó và để ở gầm giường.

Đồ sinh hoạt chung

Bên cạnh những đồ dùng cá nhân, sẽ có một vài thứ mà bạn và các bạn cùng phòng mua chung dùng chung (vì giá cao chẳng hạn) như tủ lạnh, quạt, ấm đun nước, bát đũa các loại,… Bạn nên cùng các bạn cùng phòng lập một quỹ chung ra để mua đồ và nhớ tham khảo ý kiến tất cả mọi người khi ra quyết định mua nhé!

Dụng cụ học tập

Bên cạnh những thứ cơ bản như sách, bút, vở viết, tẩy thước các loại, bạn nên mua thêm một chiếc bàn gấp nhỏ để ngồi học trên giường cho tiện. Ngoài ra thì cũng nên mua thêm một chiếc đèn bàn để học vào buổi tối hoặc đêm. Sẽ có một số món đồ nhỏ như ghim giấy, kẹp giấy và giấy A4 cũng khá cần thiết bạn có thể mua và dùng chung với bạn bè.

Dụng cụ học tập như sách, bút, vở viết, tẩy thước các loại…là những vật dụng không thể thiếu

Một tinh thần cởi mở, sẵn sàng làm việc

Nếu như trước đây bạn sống cùng gia đình được nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa, chẳng phải động chân động tay, thì lên Đại học xác định là phải tự làm hết mọi thứ.

Có thể bạn không giỏi nấu ăn, bạn có thể nhận rửa bát. Tắm xong thì nên phải giặt quần áo của mình rồi đem ra phơi luôn. Được ai nhờ vả việc gì thì hãy luôn vui vẻ giúp đỡ, vì biết đâu trong tương lai bạn lại gặp khó khăn cần nương nhờ họ.

Dù vậy nếu cảm thấy mình đã làm quá nhiều thứ, đừng ngần ngại chia sẻ suy nghĩ, quan trọng nhất là bạn cảm thấy thoải mái, và giúp tất cả mọi người xung quanh cũng có cảm giác tương tự.

Trau dồi tính kỷ luật 

Khác với khi ở nhà trọ riêng không ai quản, khi ở ký túc xá bạn sẽ phải nắm trong lòng bàn tay những nội quy, quy định khắt khe mà ban quản lý đặt ra. Nếu vi phạm nhiều lần thì khả năng cao là phải ra đường. Về khoản này thì chắc chắn mỗi trường đều có một (vài) tờ A4 để nêu rõ về quy định rồi nên hãy tìm đọc kỹ và nhớ chia sẻ cho cả bạn cùng phòng, vì đôi lúc một người làm mà cả phòng phải chịu phạt đó.

Kinh nghiệm ở ký túc xá dành cho sinh viên

Tuân thủ những quy định của kí túc xá

Mỗi ký túc xá sẽ có một quy định riêng và bạn nhất định phải tuân thủ nó nhé. Chẳng hạn như việc các ký túc xá sẽ mở cửa từ 5h sáng và đóng cửa lúc 11h đêm, vậy nên các bạn sẽ không được đi chơi về quá muộn, nhất là ban đêm vì nếu vi phạm điều này quá số lần quy định thì sẽ không còn cơ hội được ở ký túc xá.

Mỗi ký túc xá sẽ có một quy định riêng và bạn nhất định phải tuân thủ

Ký túc xá là nơi sinh hoạt chung nên nếu bạn muốn dẫn người thân/bạn bè vào chơi thì phải xin phép ban quản lý cũng như người bảo vệ trước. Đó là nguyên tắc để giữ gìn và đảm bảo an ninh chung.

Biết mình biết ta, đừng quá khoe mẽ

Kín tiếng chưa bao giờ là chuyện thừa trong một tập thể. Bạn dùng loại mỹ phẩm gì? Mua những chiếc túi hiệu nào. Mặc đồ hãng đắt ra sao hay thậm chí là thời gian bạn dành cho việc học việc chơi là bao nhiêu thì cũng đừng khoe khoang tất cả cho mọi người biết.

Nên nhớ rằng ngoài bố mẹ ra thì không ai có hi vọng bạn có một cuộc sống tốt đẹp hơn họ. Đó là tâm lý chung, là sự ích kỷ của mỗi người ngay cả bản thân chúng ta cũng vậy. Có thể có người ngưỡng mộ hoặc có thể có thể là sự ghen tị, suy cho cùng giữ cho mình một cuộc sống riêng nhất định để bảo vệ bản thân là điều nên làm.

Học cách chấp nhận sự khác biệt của người khác

Để hòa hợp với người khác, điều quan trọng bạn cần phải hiểu là bạn không thể thay đổi bất kỳ ai ngoại trừ chính bạn. Nguyên nhân của mọi mâu thuẫn đến từ sự khác biệt của mỗi cá nhân. Vì vậy bạn sẽ có xu hướng thay đổi người khác để họ cư xử theo ý của mình. Nhưng hãy biết rằng, thay vì mong muốn thay đổi người khác, tại sao chúng ta không học cách chấp nhận những quan điểm khác nhau?

Hãy mở lòng mình ra để học cách chấp nhận sự đa dạng đó. Sống theo cách của bạn và tôn trọng cách sống của người khác. Đó mới là cách để bạn cảm thấy thoải mái và có được hạnh phúc trọn vẹn.

Hãy nhớ rằng bạn không phải là trung tâm của vũ trụ

Trớ trêu thay, những người hay nơm nớp lo sợ và cảm thấy mình vô hình thường cho rằng họ luôn bị nhìn ngó, chỉ trích và nhạo báng. Ai cũng có cuộc sống riêng của mình và họ có rất ít thời gian để chú ý đến bạn nếu bạn có lỡ làm điều gì đó vụng về. Cho dù có để ý thì họ cũng sẽ quên ngay sự cố đó trong vài giờ đồng hồ, còn bạn thì lại giữ nó trong lòng đến vài năm.

Việc gạt đi những cảm giác rằng bạn luôn luôn bị quan sát và đánh giá sẽ giúp bạn học cách trở nên thoải mái và thư giãn hơn khi ở gần người khác. Do đó, việc bạn hòa nhập với tập thể cũng trở nên dễ dàng hơn.

Giữ vững quan điểm và lập trường

Việc thiết lập giới hạn của bản thân cũng như lập ra nguyên tắc với những người bạn cùng phòng ký túc xá cũng là một cách để tránh những chuyện không hay bất đồng quan điểm xảy ra sau này. Ví dụ bạn là người ghét người khác đụng vào đồ của mình thì hãy thể hiện rõ chủ trương đó với bạn cùng phòng ngay từ đầu. Khi có xung đột hay mâu thuẫn xảy ra đừng ngại va chạm, những chuyện không hài lòng từ cách sống, chuyện ăn ở, ngủ nghỉ, vệ sinh trong phòng hãy cùng họp bàn đưa ra ý kiến rõ ràng.

Đừng chịu đựng vì có nhiều họ không thấy “lỗ hổng” cách sống của bản thân, bạn càng chịu đựng họ càng vô tư chạm đến giới hạn của mình. Một người vừa vui vẻ hòa đồng nhưng có nguyên tắc sống lập trường nhất định sẽ được hầu hết bạn bè yêu mến và phần nào nể trọng.

Biết nhường nhịn và giúp đỡ người khác

Trong bất cứ mối quan hệ nào, sự nhường nhịn là rất cần thiết bởi có những lúc lợi ích và quyền lợi không thống nhất được, chúng ta vẫn hay lựa chọn những gì có lợi nhất cho bản thân mình.

Nếu thật sự tôn trọng một mối quan hệ thì sự nhường nhịn là rất cần thiết. Nhường nhịn ở đây là biết hài hòa những quyền lợi thuộc về mình và về người khác, không cứ nhất thiết lúc nào cũng khăng khăng đòi lợi ích cho riêng mình. Và bên cạnh đó cần phải biết giúp đỡ nếu người sống chung với mình gặp khó khăn.

Tôn trọng cuộc sống riêng tư của nhau

Mỗi người đều có những mối quan hệ riêng về gia đình, bạn bè, công việc, tình yêu,… Tuy sống chung với nhau thì bạn sẽ phần nào biết được những mối quan hệ đó có tính chất như thế nào, đang diễn biến ra sao. Nhưng điều cần nhất bạn nên làm đó là tôn trọng cuộc sống riêng của nhau.

Nếu họ cần chia sẻ và tâm sự thì họ sẽ cho bạn biết, còn nếu không thì bạn không nên cố gắng tìm hiểu, để ý và soi xét những mối quan hệ đó. Mỗi người đều có những suy nghĩ khác nhau và cách ứng xử khác nhau, vì vậy mà bạn cũng đừng nên đánh giá và kể chuyện của những người trong phòng mình chỉ vì mình không thích người đó. Nếu bạn tôn trọng họ, họ cũng sẽ tôn trọng bạn và cuộc sống riêng tư của bạn.

Biết cảm thông và chia sẻ

Không ai bắt buộc bạn chuyện gì cũng biết để mà cảm thông và chia sẻ với tất cả mọi người, nhưng có thể với những chuyện trong một giới hạn nhất định nếu bạn biết được, bạn nên bỏ qua cái tôi của mình và lợi ích của mình để cảm thông cho hoàn cảnh của những người bạn sống chung với mình.

Biết cảm thông và chia sẻ với mọi người

Họ có thể vì một lí do cấp thiết nào đó mà không thể hoàn thành nhiệm vụ của mình một cách đúng thời gian, thì bạn nên hiểu và thông cảm cho họ chứ không nên chỉ trích hay cằn nhằn, giận dỗi. Trong cuộc sống, ai cũng có những lúc trải qua những khó khăn và vấp ngã, bạn cũng vậy, vậy nên chúng ta mới cần sự chia sẻ và cảm thông trong cuộc sống này.

Sống có trách nhiệm

Sống trong một môi trường tập thể thì luôn có sự phân công công việc như trực nhật hay nấu ăn,… Bạn sống có trách nhiệm tức là hoàn thành nhiệm vụ của mình một cách nhanh trọn vẹn, đầy đủ nhất.

Bạn phải sắp xếp những công việc cá nhân nếu có vướng mắc để hoàn thành công việc chung của cả phòng. Đó cũng là cách để tránh xảy ra những mâu thuẫn, hiểu lầm, cãi vã không đáng có.

Sống hòa đồng, vui vẻ

Mỗi người có mỗi tính cách khác nhau do đến từ những vùng miền khác nhau và được lớn lên trong những gia đình khác nhau. Nhưng bạn nên biết rằng khi đã sống chung với người khác trong một phòng thì cần phải sống một cách hòa hợp và vui vẻ. Bạn có thể không phải là người nói nhiều, cởi mở, nhưng sống hòa đồng không đòi hỏi bạn phải lúc nào cũng vui vẻ và cởi mở.

Sống hòa đồng là hòa mình vào cuộc sống chung với mọi người, mọi người có hỏi thăm hay quan tâm thì cũng nên lịch sự trả lời lại và hơn thế nữa là trò chuyện cùng bạn bè. Đừng tự tạo ra một khoảng cách riêng biệt và tự cho rằng mình khác biệt với mọi người.

Thực sự khi ở quen với cuộc sống, với những người bạn ở ký túc xá, bạn sẽ thấy khó mà nỡ rời xa nơi đây. Ký túc xá là nơi có những người bạn tuyệt vời, những buổi tụ họp vui vẻ, nơi tính cách năng động, sự nhiệt huyết của sinh viên được bộc lộ mãnh liệt nhất. Vì thế nếu có cơ hội, hãy thử dành chút thời gian sống tại ký túc xá, bạn sẽ nhìn thấy một phần tuổi trẻ của mình trong những năm tháng ở nơi đây.

Trên đây là những kinh nghiệm ở ký túc xá mà Resident đã tổng hợp lại, hi vọng các bạn sinh viên sẽ có hành trang cho cuộc sống thoải mái, vui vẻ tại ký túc xá của mình nhé! 

 

1 những suy nghĩ trên “Kinh nghiệm ở ký túc xá dành cho sinh viên mới nhất 2024

  1. Pingback: Ký túc xá là gì? Những thông tin cần biết về ký túc xá - RESIDENT

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *